Tâm sự & Kinh nghiệm

Khi nào bạn cần phải nói dối trong công việc?

Đừng hiểu nhầm rằng Mr.Business đang dạy bạn nói dối trong công việc nhé, không phải lúc nào những lời nói dối cũng mang ý nghĩa xấu, gây hại cho người khác đâu. Trong công việc và nhất là chốn công sở có những lời nói dối cần thiết hoàn toàn vô hại mà lại giúp bạn phát triển hơn trong sự nghiệp. Dưới đây là một số trường hợp cụ thể mà bạn có thể khéo léo áp dụng những lời nói dối trong công việc để không bị mất lòng ai mà lại giúp công việc hiệu quả, hay khuyến khích mọi người nỗ lực làm việc tích cực hơn. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

khi-nao-can-thiet-phai-noi-doi-trong-cong-viec

– Xem thêm: 3 bài học để thành công mà nhất định bạn phải nhớ

I. Trường hợp 1: Khi được cấp trên tin tưởng giao cho dự án mới có cơ hội thăng tiến

– Lời nói dối: Tôi có thể làm được.

– Sự thật là: Bạn lo lắng vì không biết mình có đủ khả năng thực hiện dự án. Đừng vội vàng từ chối vì lo sợ không làm được. Hãy bình tĩnh và tự tin nắm lấy cơ hội vì hẳn sếp đã nhìn thấy được khả năng của bạn nên mới giao trọng trách này. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, bạn hoàn toàn có thể nhờ sếp hướng dẫn cũng như yêu cầu trợ giúp từ những thành viên trong nhóm. Nhớ nhé: Fake it before make it!

II. Trường hợp 2: Bạn giữ vai trò lãnh đạo. Bạn đang nghi ngờ về tương lai của công ty hoặc tính thành công của các dự án.

– Lời nói dối: Với sự giúp đỡ của bạn, chúng ta có thể cùng phát triển công ty.

– Sự thật là: Đối với mỗi nhà lãnh đạo, sự lạc quan là điều cần có dù trong tình huống niềm tin của chính bạn vốn đã bị lung lay. Điều này hoàn toàn không có nghĩa chủ quan xem nhẹ hoàn cảnh mà bạn đang nhìn vào phía tích cực của vấn đề để giải quyết chúng. Nhất là trong khoảng thời gian khó khăn, tinh thần đoàn kết, thái độ lạc quan và tích cực nỗ lực hết mình đóng vai trò quan trọng quyết định thành công. Đây là lời khuyên của nhà quản trị huyền thoại Jack Welch.

III. Trường hợp 3: Nhà tuyển dụng hỏi bạn về sếp cũ, người là nguyên nhân thực sự khiến bạn nghỉ việc.

– Lời nói dối: Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ anh/chị ấy.

– Sự thật là: Không một ai thích những kẻ lắm lời và nói xấu sau lưng, kể cả khi nhà tuyển dụng đưa ra cái bẫy rất dễ mắc phải này. Đừng dại dột được đà nói luôn nỗi lòng thầm kín, bạn hãy khéo léo kể về một số thử thách trong công việc bạn đã gặp phải và những gì bạn học được dưới sự hướng dẫn của sếp cũ. Tôn trọng người khác và luôn biết ơn là phẩm chất mà nhà tuyển dụng nào cũng đánh giá cao.

IV. Trường hợp 4: Bạn đang chán công việc hiện tại của mình.

– Lời nói dối trong công việc cần thiết: Tôi đang rất hào hứng với công việc

– Sự thật là: Chỉ cần 1 người có thái độ tiêu cực, nó sẽ lây lan cho đội ngũ nhân viên và đồng nghiệp. Vì vậy, hãy giả vờ yêu thích công việc của bạn. Hãy cố gắng tìm những điểm thú vị và nhiều cách khác nhau để tận hưởng nó. Đây là một bí quyết nhỏ như thôi miên lý trí để trở nên tích cực hơn. Bạn có thể hỏi một số đồng nghiệp về những gì họ yêu thích trong công việc và cố gắng nhìn thấy những gì bạn còn thiếu sót để hoàn thiện bản thân.

V. Trường hợp 5: Nói dối trước đám đông để giữ lợi ích và danh dự của ai đó.

Có lẽ đây là lời nói dối trong công việc duy nhất khiến bạn bất lợi một chút, tuy nhiên bên cạnh đó giúp bạn nhận được sự kính nể, quý trọng của nhiều người. Trường hợp này áp dụng rất tốt ở những công ty Nhật Bản, một đất nước luôn ưu tiên hàng đầu môi trường làm việc hòa hợp.

– Lời nói dối: Đó là lỗi của tôi!

Giữa cuộc họp tập thể, sếp muốn biết tại sao công việc lại có sự chậm trễ, không kịp tiến độ. Bạn và mọi người biết đó là do lỗi của đồng nghiệp hoặc cấp dưới. Nhưng biết chỉ là để biết thế thôi bởi ở Nhật, bạn phải tránh tuyệt đối làm bẽ mặt đồng nghiệp trước mặt người khác nếu không muốn bị coi là kẻ hay chỉ trích và thiếu trưởng thành.

Dù chẳng thú vị gì nhưng trong hoàn cảnh này, hãy xin lỗi sếp (dù bạn chẳng phải là người mắc lỗi). Tự nghĩ ra đôi lời nói dối có thể chấp nhận được. Vấn đề với sếp đã xong, bạn hãy nói chuyện riêng với người đồng nghiệp và cấp dưới kia. Bạn sẽ nhận được cái nhìn hoàn toàn kính nể của người đồng nghiệp/cấp dưới đó và những người khác. Thậm chí nếu người đồng nghiệp kia biết suy nghĩ, sẽ chủ động gặp sếp để thanh minh cho bạn, thông qua đó sếp cũng sẽ đánh giá bạn tốt hơn.

Bạn thấy không? Không phải lúc nào nói dối cũng là sai trái và bắt buộc ta phải nói thật đâu. Để có thể vận dụng khéo léo những lời nói dối trong công việc cũng cần phải có “nghệ thuật” đấy. Trong thời gian tới Mr.Business sẽ chia sẻ cho bạn nhiều hơn nữa những tình huống cần thiết phải nói dối trong công việc để bạn có thể tham khảo và cân nhắc việc sử dụng chúng sao cho phù hợp. Và cuối cùng, chúc bạn ngày cuối tuần vui vẻ và tràn đầy năng lượng để bắt đầu cho một tuần làm việc mới có hiệu quả.

Related Articles

Back to top button