Trong bài viết trước, Mr.Business đã giới thiệu tới các bạn tổng quan về quản lý kho hàng trong nghiệp vụ Logistics, và cách phân loại các hạng mục quản lý kho hàng (Xem thêm: Phân loại quản lý kho hàng trong logistics). Ngày hôm nay Mr.Business sẽ tiếp tục chia sẻ tới các bạn cách thiết lập layout kho hàng trong nhà máy để đảm bảo được các tiêu chí: đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng hàng hóa và hiệu quả công việc cao nhất với chi phí phát sinh là thấp nhất.
(Lưu ý mọi thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, việc áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi công ty)
– Xem thêm: Tìm hiểu về thuật ngữ Logistics – Logistics là gì?
Cách thiết lập layout kho hàng trong nhà máy
Nhìn chung quản trị layout kho hàng trong logistics được hiểu là quản lý vị trí đặt để, lưu trữ linh kiện, sản phẩm và vật liệu đóng gói. Tuy nhiên nếu nắm được cách thiết lập layout kho hàng một cách khoa học và hiệu quả nó có thể giúp ngăn ngừa tai nạn, phòng chống lỗi thao tác và giảm chi phí phát sinh một cách tối đa.
I. Tổng quan layout kho hàng trong nhà máy
Thông thường trong các nhà máy hiện nay, căn cứ theo dòng chảy của các linh kiện đầu vào cho đến khi hoàn thành sản phẩm đầu ra, layout của kho hàng sẽ được bố trí theo 3 dạng chính: Dạng thẳng, dạng chữ U và dạng chữ L. Xem hình minh họa.
Cách thiết lập layout kho hàng trong nhà máy bao gồm 3 dạng chính.
Tùy thuộc vào layout nhà máy trước đó cùng các điều kiện thực tế mà ta sẽ cân nhắc đến việc lựa chọn loại layout cho phù hợp.
Nếu xét trên tiêu chí hiệu quả của dòng chảy công việc, thì layout dạng thẳng sẽ giúp tối ưu hóa hơn đường di chuyển, cũng như phân tách độc lập giữa các khu vực với nhau.
II. Những điểm cần lưu ý trong cách thiết lập layout kho hàng trong nhà máy
Trước khi thiết lập layout cho kho hàng bạn cần phải nghiên cứu và tính toán dựa trên các tiêu chí sau:
1. An toàn: Các lối đi, khu vực đặt để phải được thiết kế dựa trên tiêu chuẩn an toàn của nhà máy.
2. Chất lượng: Thiết kế, phân chia các khu vực hợp lý để đảm bảo chất lượng hoạt động
3. Hiệu suất: Không có sự lặp lại của các công đoạn cũng như đường di chuyển hay sự bỏ qua công đoạn. Đảm bảo rằng dòng chảy công việc là ngắn nhất.
4. Chi phí: Diện tích sử dụng layout là tiết kiệm nhất
III. Ví dụ mẫu về cách thiết lập layout kho hàng trong nhà máy
Dưới đây là một ví dụ mẫu dành cho bạn tham khảo, ví dụ sẽ thiên về việc mô phỏng dòng chảy của vật, còn layout vật lý thì có thể áp dụng 1 trong 3 dạng layout như phần I.
Giờ mình sẽ phân tích chi tiết dòng chảy của vật:
– Dòng chảy linh kiện: Linh kiện từ nhà cung cấp sẽ được vận chuyển bằng xe tải hoặc container và đỗ tại vị trí xe giao hàng -> Linh kiện được dỡ xuống và kiểm đếm tại khu vực nhận linh kiện -> Chuyển sang khu vực tuyển chọn, kiểm tra (nếu phải tuyển chọn linh kiện đầu vào) -> Chuyển ra khu vực dự trữ trước khi được cấp vào dây chuyền sản xuất.
– Dòng chảy sản phẩm: Sau khi sản phẩm được sản xuất và đóng gói hoàn chỉnh sẽ được chuyển sang khu vực kho sản phẩm để lưu trữ -> Căn cứ theo kế hoạch xuất hàng mà sản phẩm được chuyển sang khu vực chờ xuất -> Tiến hành công đoạn đóng hàng, chuyển hàng lên xe tải/container để xuất hàng.
– Dòng chảy của vật liệu đóng gói: Ở đây Mr.Business sẽ chỉ giới thiệu tới loại vật liệu đóng gói tái sử dụng (Returnable Packaging Material).
+ Đối với VLDG dùng cho linh kiện: Sau khi linh kiện được chuyển vào dây chuyền, VLDG sẽ được quay trở lại kho linh kiện, lưu trữ trước khi xuất trả lại nhà cung cấp.
+ Đối với VLDG dùng cho sản phẩm: Sau khi được trả lại từ khách hàng, hộp sẽ được làm sạch, tuyển chọn lại và chuyển ra khu vực lưu trữ để cấp quay lại vào dây chuyền và sử dụng để tiếp tục đóng gói sản phẩm.
Trên đây là tổng quan cách thiết lập layout kho hàng trong nhà máy cho bạn tham khảo. Có thể những thông tin sẽ không chính xác với điều kiện hoàn cảnh thực tế, tuy nhiên sẽ rất hữu ích để nghiên cứu trước khi bạn có kế hoạch thiết kế layout kho hàng mới, hoặc nghiên cứu để cải tiến layout kho hàng hiện tại cũng như dòng chảy của các công việc trong nghiệp vụ quản lý kho hàng Logistics. Trong những bài viết tiếp theo Mr.Business sẽ đi chi tiết hơn vào việc thiết lập layout cũng như quản lý kho hàng sản phẩm, linh kiện và vật liệu đóng gói.