Cả Logistics lẫn chuỗi cung ứng đều là những khái niệm khá là mới mẻ tại Việt Nam. Nếu là một người mới tìm hiểu về quản trị Logistics (Logistics Management – LM) , hay quản trị chuỗi cung ứng (Supply Chain Management – SCM) sẽ rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa 2 thuật ngữ này. Ngày hôm nay, Mr.Business xin được chia sẻ tới các bạn sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng, nhằm giúp các bạn có được một cái nhìn tổng quát nhất về 2 khái niệm tưởng chừng như một mà lại là hai này.
– Xem thêm: Tìm hiểu về thuật ngữ Logistics – Logistics là gì?
I. Sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng thông qua khái niệm
1. Quản trị logistics (hay quản lý hậu cần, tiếp vận) – Logistics management: là một phần của quản trị chuỗi cung ứng bao gồm việc hoạch định, thực hiện, kiểm soát việc vận chuyển và dự trữ hiệu quả hàng hóa, dịch vụ cũng như những thông tin liên quan từ nơi xuất phát đến nơi tiêu thụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Hoạt động của quản trị logistics cơ bản bao gồm quản trị vận tải hàng hóa xuất và nhập, quản lý đội tàu, kho bãi, nguyên vật liệu, thực hiện đơn hàng, thiết kế mạng lưới logistics, quản trị tồn kho, hoạch định cung/cầu, quản trị nhà cung cấp dịch vụ thứ ba. Ở một số mức độ khác nhau, các chức năng của logistics cũng bao gồm việc tìm nguồn đầu vào, hoạch định sản xuất, đóng gói, dịch vụ khách hàng. Quản trị logistics là chức năng tổng hợp kết hợp và tối ưu hóa tất cả các hoạt động logistics cũng như phối hợp hoạt động logistics với các chức năng khác như marketing, kinh doanh, sản xuất, tài chính, công nghệ thông tin.
Nói đơn giản Logistics quản lý dòng chảy xuất phát từ nguyên liệu đầu vào từ nhà cung cấp cho đến khi sản phẩm đầu ra đến được tay khách hàng. Sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng có thể nhìn thấy ngay trong khái niệm.
2. Quản trị chuỗi cung ứng – Supply Chain Management: bao gồm hoạch định và quản lý tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung cấp, mua hàng, sản xuất và tất cả các hoạt động quản trị logistics. Ở mức độ quan trọng, quản trị chuỗi cung ứng bao gồm sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên cùng một kênh như nhà cung cấp, bên trung gian, các nhà cung cấp dịch vụ, khách hàng. Về cơ bản, quản trị chuỗi cung ứng sẽ tích hợp vấn đề quản trị cung cầu bên trong công ty và giữa các công ty với nhau. Quản trị chuỗi cung ứng là một chức năng tích hợp với vai trò đầu tiên là kết nối các chức năng kinh doanh và các quy trình kinh doanh chính yếu bên trong công ty và của các công ty với nhau thành một mô hình kinh doanh hiệu quả cao và gắn bó. Bên cạnh đó, còn là những hoạt động sản xuất và thúc đẩy sự phối hợp về quy trình và hoạt động của các bộ phận marketing, kinh doanh, thiết kế sản phẩm, tài chính, công nghệ thông tin.
Sau khi đọc xong định nghĩa hẳn bạn đã có thể hình dung ra sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng rồi chứ.
Nếu như logistics chủ yếu là quản lý sự vận động của các nguồn nguyên vật liệu, thì chuỗi cung ứng nó lại thiên về việc quản trị tất cả các hoạt động, từ các nguồn hàng trực tiếp cho đến việc thu mua, quản lý các kênh phân phối. Kênh phân phối là những công ty mà giúp bạn sản xuất sản phẩm, phân phối sản phẩm và bán sản một đến một số lượng khách hàng nhất định.
Để làm rõ hơn về sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng, Mr.Business sẽ phân biệt chi tiết vào từng khía cạnh của cả 2 khái niệm này:
Một số sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng
– Về tầm ảnh hưởng: LM có tầm ảnh hưởng ngắn hạn hoặc trung hạn, còn SCM có tầm ảnh hưởng dài hạn.
– Về mục tiêu: LM mong muốn đạt đến giảm chi phí logistics nhưng tăng được chất lượng dịch vụ còn SCM lại đặt mục tiêu ở giảm được chi phí toàn thể dựa trên tăng cường khả năng cộng tác và phối hợp, do đó tăng hiệu quả trên toàn bộ hoạt động LM.
– Về công việc: LM quản trị các hoạt động bao gồm vận tải, kho bãi, dự báo, đơn hàng, giao nhận, dịch vụ khách hàng… Còn SCM bao gồm tất cả các hoạt động LM và quản trị nguồn cung cấp, sản xuất, hợp tác và phối hợp các đối tác, khách hàng…
– Về phạm vi hoạt động: LM chủ yếu quản trị bên trong doanh nghiệp còn SCM quản trị cả bên trong lẫn bên ngoài.
Kết luận: Quản trị Logistics và quản trị chuỗi cung ứng đều là những khái niệm vô cùng rộng lớn xoay quanh việc quản lý ba dòng chảy: thông tin, sản phẩm và tài chính. Quản trị logistics hay quản trị chuỗi cung ứng đều là những sân chơi rộng lớn và không có hồi kết mà trong đó bạn cần làm chủ cuộc chơi của mình. Nếu có thể gói gọn sự khác nhau giữa Logistics và chuỗi cung ứng chỉ bằng một câu nói thì đó chính là: “Logistics là tập con của chuỗi cung ứng”.