Nếu bạn đang làm việc trong các công ty Nhật Bản thì hẳn không hề thấy lạ lẫm với 2 khái niệm kaizen, 5S. Ngày nay thì hàng loạt các công ty khác bao gồm cả Việt Nam lẫn quốc tế cũng đã áp dụng những hoạt động này để cải tiến năng lực hoạt động, cũng như lấy chúng là nền tảng của sự phát triển. Dành cho những bạn còn chưa hiểu rõ về 2 khái niệm này, ngày hôm nay Emvaobep xin được giới thiệu tới các bạn khái niệm kaizen, 5s thông qua những khái niệm và infographic sinh động, dễ hiểu. Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Khái niệm kaizen là gì?
Kaizen là một thuật ngữ kinh tế của người Nhật, được ghép bởi từ 改 (“kai”) có nghĩa là thay đổi và từ 善 (“zen”) có nghĩa là tốt hơn, tức là “thay đổi để tốt hơn” hoặc “cải tiến liên tục”. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là “ongoing improvement” hoặc “continuous improvement” và trong tiếng Trung, Kaizen được phát âm là Gansai, nghĩa là hành động liên tục cải tiến, mang lại lợi ích vì tập thể hơn là lợi ích của cá nhân.
KAIZEN là cải tiến, cải thiện, là sự cải tiến không ngừng, nó có liên quan đến mọi người, nhà quản lý lẫn công nhân. KAIZEN là sửa chữa và làm tốt hơn một việc gì đó mà đã gây khó khăn cho con người. Triết lý của KAIZEN cho rằng: dù bất cứ nơi đâu – gia đình hay xã hội – đều cần được cải tiến liên tục.
Chính vì vậy đối với những công ty Nhật Bản, kaizen sẽ được quy định bắt buộc phải thực hiện hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm… Tùy từng bậc làm việc mà mức độ yêu cầu về hiệu quả cần thiết của các đề án kaizen cũng khác nhau. Và tất nhiên sẽ có những phần thưởng xứng đáng cho hiệu quả của các đề án kaizen đó.
Cùng tham khảo infographic về một số điều thú vị trong hoạt động kaizen của một công ty Nhật Bản nhé:
Khái niệm kaizen, 5s đều được xuất phát từ những thành công rực rỡ trong nền công nghiệp của đất nước Nhật Bản.
Khái niệm 5S là gì?
5S là chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật “SEIRI”, “SEITON”, “SEISO”, “SEIKETSU” và “SHITSUKE”, tạm dịch sang tiếng Việt là “SÀNG LỌC”, “SẮP XẾP”, “SẠCH SẼ”, “SĂN SÓC”, “SẴN SÀNG”. Từ ý nghĩa của các từ bắt đầu bằng 5 chữ S, các nguyên tắc chung của thực hành 5S được hiểu như sau:
– SEIRI (Sàng lọc): là sàng lọc những vật dụng không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng.
– SEITON (Sắp xếp): Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, theo một trật tự nhất định, tiện lợi khi sử dụng
– SEISO (Sạch sẽ): là vệ sinh tại nơi làm việc sao cho không còn rác hay bụi bẩn tại nơi làm việc (kể cả trên nền nhà, máy móc và thiết bị)
– SEIKETSU (Săn sóc): là luôn săn sóc, giữ gìn nơi làm việc luôn sạch sẽ, thuận tiện và có năng suất bằng cách liên tục thực hiện Seiri, Seiton, Seiso.
– SHITSUKE (Sẵn sàng): Tạo thành một nề nếp, thói quen tự giác làm việc tốt, duy trì môi trường làm việc thuận tiện
Đối với người Nhật, 5s là nền tảng của sự thành công. Nếu bạn áp dụng đúng các yêu cầu 5s vào công việc, bạn sẽ thấy được hiệu quả to lớn thông qua những hành động rất nhỏ.
Có thể lấy ví dụ như sau: Nếu bạn phải lắp ráp 10 con sản phẩm, mỗi con sản phẩm có 2 chi tiết linh kiện. Nếu bạn không phân loại riêng biệt từng loại linh kiện riêng ra, bạn sẽ tốn nhiều hơn 1s để chọn lựa linh kiện/ 1 con sản phẩm. Vậy số thời gian lãng phí sẽ là bao nhiêu khi số sản phẩm cần lắp ráp là 1000, 10000 hay 100000?
Không những thế trong quá trình thao tác bạn cũng sẽ gặp phải những rủi ro như lắp ráp nhầm -> sai linh kiên -> phế phẩm.
Có những hoạt động đơn giản lại đem đến thành công vô cùng to lớn về sau phải không các bạn? Việc áp dụng triệt để kaizen, 5s trong mọi lĩnh vực, hoạt động là rất cần thiết, đó là một thành tựu cũng như phương thức làm việc bổ ích xuất phát từ Nhật Bản mà chúng ta nên học hỏi và áp dụng. Hi vọng thông qua bài viết bạn đã hiểu thêm khái niệm kaizen, 5s giúp ích cho công việc của mình. Xin cảm ơn!