Trong bài viết trước mình đã giới thiệu tới các bạn cách làm giò lụa ngon theo công thức truyền thống của dân tộc, ngày hôm nay mình xin được giới thiệu tiếp một món giò nữa cũng thơm ngon không kém và đặc biệt cách làm lại không quá phức tạp giúp phong phú hơn cho thực đơn ngày Tết hay những ngày quan trọng của gia đình bạn. Cùng Emvaobep tìm hiểu cách làm giò xào (theo cách gọi miền Bắc) hay cách làm giò thủ (theo cách gọi của người miền Nam) thơm ngon trong những ngày cuối tuần dưới đây nhé!
Giò thủ, còn được biết đến với tên gọi khá phổ biến khác là giò xào, là một trong những món giò truyền thống của người Việt với thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt.
Bạn Đang Xem: Hướng dẫn cách làm giò thủ (giò xào) ngon, hợp khẩu vị gia đình
Nguyên liệu chính của giò thủ: Giò thủ được bằng phần thịt thủ lợn, bao gồm các phần như tai, mũi, lưỡi, bì, mỡ và nạc lọc từ thủ của lợn (heo), thậm chí bao gồm cả phần thịt ở chân giò. Thành phần thường gặp thứ nữa là mộc nhĩ đen (nấm mèo), nấm hương (hay nấm đông cô). Gia vị đi kèm thường bao gồm hạt tiêu, hành khô, nước mắm.
Nguyên liệu làm giò thủ cần chuẩn bị
- Tai lợn, thịt thủ lợn: 600g
- 1 chiếc lưỡi lợn
- Thịt chân giò: 300g. Toàn bộ thịt lợn bạn mua lúc sáng sớm, mới mổ để cho vị ngọt và ngon nhất nhé.
- 2 lạng mộc nhĩ, nấm hương
- 2 quả trứng gà
- Lá dong hoặc lá chuối để gói giò
- Nước cốt hành
- Nước cốt tỏi
- Nước mắm, muối, tiêu, hạt nêm.
Cách làm giò thủ – Cách làm giò xào ngon
Bước 1:
Thủ lợn mua về bạn làm sạch lông, hơ qua bếp than hoặc khò lửa cho sạm bì sẽ giúp thịt thủ thơm và giòn hơn. Sau đó đem ngâm vào nước ấm, rồi cạo lại thật sạch.
Bước 2:
Lưỡi lợn trần qua nước sôi hoặc rót trực tiếp nước sôi vào lưỡi lợn, cạo sạch phần màng trắng rồi rửa sạch lại bằng nước. Rạch một đường dọc chính giữa lưỡi lợn để khi luộc sẽ chín đều.
Xem Thêm : Hướng dẫn cách làm giò xào ngon nhất khiến vạn người mê
Bước 3:
Bắc một nồi nước lên bếp, cho vào đó một ít muối rồi đổ toàn bộ thịt thủ, thịt chân giò, tai lợn đã làm sạch vào đó luộc sơ. Đến khi nào thấy nước sôi lên thì tắt bếp, vớt thịt ra ngoài rửa qua nước lạnh để thịt nhanh nguội và không bị thâm. Không đun thịt quá chín vì sau công đoạn luộc còn công đoạn xào thịt nữa, thịt nhừ sẽ làm giảm độ giòn của giò thành phẩm. Trong khi luộc bạn cũng có thể dùng đũa xiên thử, nếu thấy đũa đâm vào được nhưng vẫn còn cảm giác đanh của thịt là được.
Sau đó thái mỏng các loại thịt trên và cho nước mắm, bột canh, mì chính, hạt tiêu vào ướp trong khoảng 30 phút. Đối với phần tai heo khi thái bạn nghiêng dao để thái mỏng dễ dàng.
Bước 4:
+ Mộc nhĩ, nấm hương bạn đem rửa sạch, thái sợi.
+ Hành khô bóc vỏ đập dập rồi băm nhỏ.
+ Trứng gà đánh tan tráng thật mỏng và thái sợi.
Bước 5:
Bắc chảo lên bếp, cho vào 2 thìa dầu ăn rồi đổ hành khô vào phi thơm lên. Cho tiếp thịt đã ướp ở bước 3 vào xào cùng, đảo thật đều tay. Khi thấy thịt đã săn lại thì cho tiếp mộc nhĩ, nấm hương đã thái sợi vào đảo đều trong khoảng 10 phút. Cuối cùng bạn cho trứng, hạt tiêu và nêm nếm lại gia vị trước khi đảo đều và bắc ra.
Xem Thêm : Chia sẻ công thức làm giò lụa đang thu hút hàng ngàn lượt xem
* Lưu ý: Nếu xào quá kỹ thì giò sẽ khô, thịt xào chưa đủ độ thì giò sẽ không được thơm. Vì thế chỉ cần xào đến khi thịt tiết mỡ và hơi cháy cạnh là được.
Bước 6: Gói giò
Bạn sử dụng lá chuối để gói giò nhé. Đem rửa sạch lá và hơ qua lửa cho lá mềm và dai, khi cuốn thịt sẽ dễ dàng hơn.
Cách làm giò thủ – Cách làm giò xào ngon
Xếp lá chuối theo chiều dài khoảng 70x50cm rồi múc thịt xào vẫn còn nóng vào giữa và bắt đầu gói lại. Việc gói giò lúc nóng sẽ giúp các nguyên liệu kết dính hơn, khi bó giò được chắc và chặt. Nếu ai chưa quen gói lá, có thể sử dụng một chiếc túi nilon cho thịt vào trong rồi cuộn lại và cho vào trong lá chuối để gói. Túi nilon sẽ giúp định hình sẵn cho thịt, dễ dàng thao tác gói hơn.
* Chi tiết cách gói giò thủ (giò xào) bằng lá chuối: Bạn xếp lá chuối chồng lên nhau theo chiều dọc khoảng 70x50cm, sau đó cho thịt vừa xào vào giữa, cuốn lá chuối lại, rồi dùng một cái lạt buộc ngang vào giữa, sau đó gấp một đầu lá lại rồi dựng đứng giò lên, dùng đũa dài nhồi thịt xuống cho giò được chắc, rồi gấp gọn đầu lá còn lại.
Món giò thủ (giò xào) yêu cầu phải gói chặt tay thì giò mới giòn và ngon.
Nếu không có lá chuối bạn có thể sử dụng bằng chai nhựa hoặc khuôn bằng inox.
Bước 7: Ép giò
+ Đối với khuôn ép thì đã có sẵn tác dụng ép giò rồi, bạn chỉ cần đợi cho khuôn nguội rồi cho vào tủ lạnh để khoảng 2 tiếng cho giò đông lại là có thể bỏ ra, quấn bằng nilon hoặc giấy bạc để bảo quản và dùng dần.
+ Đối với giò gói tay bằng lá, bạn sử dụng các vật nặng như thớt, nồi, gỗ, tấm ván… để nén giò, sau đó để qua đêm là giò đã chắc nịch và có thể để được lâu để dùng dần mà không cần phải bảo quản trong tủ lạnh.
Giò thủ (giò xào) sau khi đã hoàn thành bạn có thể dùng luôn được rồi, thái từng khoanh một và chấm với nước mắm, tiêu ớt để thưởng thức nhé. Những miếng giò béo ngậy, giòn sần sật đậm đà cùng với vị thơm của hạt tiêu mà ăn kèm với bánh chưng và hành muối ngày Tết thì rất là tuyệt vời đó. Chúc bạn thành công với cách làm giò thủ hay cách làm giò xào thơm ngon này nhé!
Nguồn: https://emvaobep.com
Danh mục: Món Giò