Vải là loại trái cây vô cùng ngon với rất nhiều công thức chế biến khác nhau. Chỉ còn một vài tuần nữa sẽ là thời điểm thu hoạch vải chính vụ trong năm, đây là lúc chị em mình bắt tay vào trổ tài làm những món ngon cho những thành viên trong gia đình của mình. Ngoài những món ngọt như chè thì vải cũng có thể chế biến thành rất nhiều món mặn vô cùng hấp dẫn. Bài viết dưới đây là “top 12 món được làm từ quả vải”, bắt tay vào thực hiện ngay nhé.
Trà vải hoa hồng
Bạn Đang Xem: Top 12 món ngon được làm từ quả vải không thể bỏ qua.
Nguyên liệu
- 1 hộp vải tươi đóng hộp
- 30g nụ hoa hồng khô
- 1 gói trà hoa hồng túi lọc
- 150ml siro hoa hồng
- 50ml nước đường
- 50ml nước cốt chanh vàng
Cách làm
Nấu nước nụ hoa hồng
Bước 1: Nấu nước hoa hồng
Bạn cho 600ml nước vào nồi nấu sôi trên lửa lớn. Sau đó, bạn thêm 30g nụ hoa hồng khô vào và hạ lửa, nấu trên lửa vừa trong 15 phút đến khi nước chuyển sang màu hồng nhạt thì tắt bếp.
Bước 2: Pha trà hoa
Bạn cho 1 gói trà hoa hồng túi lọc vào bình thủy tinh, đổ nước nụ hoa hồng khô đã nấu còn nóng già, hãm trà trong khoảng 3 phút rồi vớt bỏ túi lọc. Sau đó, bạn cho 150ml siro hoa hồng, 50ml nước đường, 50ml nước vải, 50ml nước cốt chanh vàng vào bình trà, khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện với nhau. Trà có màu hồng tươi đẹp mắt và mùi hoa hồng thơm thoang thoảng là đạt rồi nhé.
Bước cuối cùng, bạn cho trái vải vào ly tùy theo sở thích mà cho nhiều hay ít, thêm đá viên rồi đổ nước trà hoa hồng vào, để vài lá bạc hà lên trên cho tăng thêm mùi vị nhé!
Vải ngâm
Nguyên liệu
- Vải tươi 1 kg
- Đường 400 gr
- Muối 1/4 muỗng cà phê
Cách làm
Bước 1: Nấu nước đường
Bạn cho 500 ml nước vào nồi bật bếp nấu cho nước sôi thì thêm 400 gr đường, 1/4 muỗng cà phê muối khuấy cho tan sau đó tắt bếp, để cho nước đường nguội hẳn.
Bước 2: Chần sơ vải
Vải mua về cắt cuống sau đó rửa sạch, nấu 1 nồi nước sôi sau đó cho vải vào chần sơ qua 2 phút.
Bước 3: Ngâm vải đã chần trong nước đá
Vớt vải ra thả ngay vào tô nước đá lạnh, ngâm vải 10 phút sau đó vớt ra.
Bước 4: Tách vỏ và hạt
Bạn lần lượt bóc vỏ từng quả vải sau đó dùng ống hút uống trà sữa chọc vào phần hạt vải hoặc dao mũi nhọn lách xung quanh phần núm vải và khéo léo lấy hạt vải ra sao cho quả vải còn nguyên vẹn.
Nếu không cần cầu kỳ quá bạn chỉ việc tách đôi cùi vải và lấy hạt ra là được, bạn cứ làm như vậy cho hết chỗ vải còn lại.
Sữa chua vải
Nguyên liệu
- Sữa tươi không đường: 400 ml
- Sữa đặc: 1 hộp
- Vải tươi: 20 quả
- Sữa chua: 6 muỗng canh
Cách làm
Bước 1: Vải thiều bóc vỏ, bỏ hạt, chia làm 2 phần. Một phần bạn thái nhỏ, một phần bạn cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt.
Bước 2: Tiếp đến, bạn cho sữa đặc vào sữa tươi không đường. Dùng thìa khuấy thật đều cho sữa đặc tan hết. Đổ hỗn hợp sữa này vào một chiếc nồi và đun ấm lên khoảng 50 độ. Chú ý bạn không cần đun sôi nhé!
Bước 3: Bạn tắt bếp rồi cho 2 hộp sữa chua trắng, nước ép vải và vải thái nhỏ vào nồi, khuấy đều lại một lần nữa. Tiếp theo, bạn rót hỗn hợp vào chiếc bình đựng nước rồi rót vào các hũ thủy tinh làm sữa chua, mang đi ủ trong nồi cơm điện hoặc trong thùng xốp có nắp đậy kín ở nhiệt độ từ 35-45 độ trong khoảng 6-8 tiếng.
Cuối cùng, bạn cho vào ngăn mát tủ lạnh, sau vài tiếng là đã có hũ sữa chua béo ngậy, thơm vị vải, mát lạnh để thưởng thức rồi.
Chè vải thạch lá nếp
Nguyên liệu
- 6 lá nếp
- 500ml nước
- 50gr đường
- 3gr bột rau câu
- 100gr thạch sương sáo
- 150ml nước cốt dừa
- 50gr dừa sợi
- 0,5kg vải
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Lá nếp mua về rửa sạch, cắt từng khúc và để ráo. Thạch sương sáo cắt hạt lựu. Vải lột vỏ, dùng dao lấy nhẹ phần hạt ra và rửa sạch bằng nước.
Bước 2: Làm thạch lá nếp
Cho 6 lá nếp, 500ml nước vào máy và xay nhuyễn. Khi lá nếp đã nhuyễn lọc qua rây lấy nước. Cho phần nước lá nếp lên bếp đun ở lửa vừa.
Xem Thêm : Cách làm cút lộn xào me chua ngọt, thơm ngon đơn giản tại nhà
Trộn đều 50gr đường và 3gr bột rau câu lại với nhau, sau đó cho vào nước lá nếp và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp sôi lên hoàn toàn. Chú ý trong quá trình sôi, vớt bọt ra để phần thạch được mịn hơn nhé! Khi đã sôi hoàn toàn, bạn đổ thạch vào khuôn và cho vào tủ lạnh 2 tiếng. Khi thạch đông hoàn toàn, lấy thạch ra và cắt hạt lựu.
Bước 3: Làm nhân vải
Vải sau khi loại bỏ hạt và vỏ, nhẹ nhàng cho phần thạch sương sáo và thạch lá nếp vào bên trong vải.
Bước 4: Trang trí
Lần lượt cho thạch sương sáo, thạch lá nếp, nhân vải và từ từ đổ nước cốt dừa vào. Cuối cùng trang trí trên bề mặt 1 ít dừa sợi và thưởng thức thôi!
Sinh tố vải
Nguyên liệu
- Vải đóng hộp 150 gr(6 trái vải và nước)
- Kem vanilla 50 gr
- Sữa đặc 1 muỗng canh
- Đá viên 1 ít
Cách làm
Bước 1: Xay sinh tố
Lần lược cho vào cối xay 150gr vải đóng hộp (cả nước lẫn cái), 50gr kem vanilla, 1 muỗng canh sữa đặc, nửa chén nước lọc và 1 ít đá viên. Nhớ để lại 1 trái vải để trang trí. Xay nhuyễn để có hỗn hợp sinh tố béo mịn. Cho ra ly trang trí thêm 1 trái vải ngâm lên mặt là có thể thưởng thức.
Bước 2: Thành phẩm
Như vậy là đã có ngay món sinh tố vải cực kì thơm ngon, béo mịn. Vị ngon thanh mát của vải hòa cùng vị béo và thơm của kem vanilla, sữa đặc tạo nên món sinh tố vải ngon khó cưỡng. Thử ngay nào!
Kem vải thiều cốt dừa
Nguyên liệu
- Vải thiều
- Nước cốt dừa ( có thể tự làm hoặc mua sẵn ạ)
- 1 quả chanh
- Sữa đặc
Cách làm
- Vải bóc vỏ tách hột.
- Cho vải vào máy xay thêm nước cốt chanh (1 quả), nước cốt dừa (150ml), sữa đặc (em cho 4 thìa phở) sau đó xay nhuyễn hỗn hợp.
- Sau đó đổ hỗn hợp vào khuôn.
- Thêm topping ưa thích: vải quả, dừa khô, dừa sợi…
- Để kem vào ngăn đá tủ lạnh, sau 3 tiếng đổ kem vào máy xay thêm lần nữa rồi đổ lại khuôn.
- Để kem lại vào ngăn đá từ 6-8 tiếng là có thể thưởng thức được rồi
Gà nấu vải
Nguyên liệu
- 1kg thịt ức gà hoặc đùi gà
- 500g cà rốt
- 300g vải tươi
- 1 củ hành trắng
- Vài tai nấm đông cô khô
- 5 muỗng canh dầu hào
- 2 tép tỏi
- 1 củ hành khô
- Muối
- Dầu ăn
- Bún, mì hoặc bánh mì để ăn kèm
Cách làm
Bước 1:Băm nhỏ 2 tép tỏi và hành khô. Hành trắng cắt múi cau.
Bước 2:Thịt gà róc xương để riêng, cắt thịt thành miếng vừa ăn.
Bước 3:Cho một nửa phần hành tỏi băm vào gà cùng với dầu hào, ướp khoảng 1 tiếng hoặc để trong tủ lạnh qua đêm.
Bước 4:Cho một chút dầu ăn vào nồi, phi thơm chỗ hành tỏi còn lại rồi cho phần thịt gà vào xào sơ đến khi thịt săn lại. Xúc thịt ra để riêng.
Bước 5:Cho hành trắng vào nồi xào sơ. Thả phần xương gà vào, đổ nước ngập. Vớt bọt thường xuyên và hầm trong khoảng 1 tiếng.
Bước 6:Cà rốt gọt vỏ, tỉa hoa và cắt khúc vừa ăn. Nấm đông cô ngâm nước cho nở mềm. Lột vỏ và bỏ hạt vải. Nếu dùng vải hộp, bạn để riêng phần cái và nước.
Bước 7:Khi nước dùng gà đã trong và ngọt, bạn vớt xương gà ra. Cho vào nồi phần thịt gà đã xào, nấm đông cô và cà rốt. Nếu dùng vải hộp bạn cho nước vải vào cùng. Hầm đến khi thịt gà và cà rốt chín mềm.
Bước 8:Nêm nếm lại nước dùng với muối và đường. Cho vải vào và nấu thêm khoảng 10 phút để vải không bị nát.
Chè vải sương sáo
Nguyên liệu
- Vải tươi (khoảng 300g)
- Sương sáo trắng/đen
- 1 hộp sữa tươi
- Nước cốt dừa
- Đường thốt nốt
- Đường cát
- Hạt sen.
Cách làm
Bước 1: Đầu tiên là bạn cần sơ chế nguyên liệu. Vải tươi mua về cần bóc vỏ và tách hạt. Hạt sen nếu còn tươi thì cần bỏ tâm sen. Còn nếu sử dụng hạt sen khô thì bạn rửa sạch và ngâm khoảng 30 phút.
Bước 2: Tiếp theo hòa 1 gói bột sương sáo trắng với 180ml sữa tươi, 150ml nước lọc cùng với 3 thìa đường cát, 2 thìa nước cốt dừa và khuấy đều. Khi bột tan ra thì đem hỗn hợp vừa rồi đi đun sôi rồi đổ thạch vào khuôn, chờ nguội và cho vào ngăn mát.
Bước 3: Cho hạt sen vào nồi ninh nhừ. Khi hạt sen đã mềm thì cho đường thốt nốt vào. Tùy theo sở thích mà bạn căn chỉnh lượng đường cho phù hợp nhé. Sau đó đun thêm khoảng 3 phút là được.
Vải tươi sau khi bóc vỏ thì bạn có thể sên vải với ít đường (nếu bạn thích ăn ngọt) còn không thì có thể cho trực tiếp vào nồi chè sen và đun khoảng 3-5 phút cho vải ngấm vị ngọt. Khi chè được thì bạn múc ra bát, cho thạch vào ăn cùng.
Salad tôm vải
Nguyên liệu
- 500g tôm sú đã bóc vỏ và làm sạch
- Hành lá
- 1 quả xoài
- 500g vải thiều tươi
- 1 muỗng cà phê ớt bào 1/2 quả chanh, 1 muỗng canh dầu ô liu, lac/đậu phộng, gia vị.
Cách làm
Đầu tiên bạn cho dầu và nước cốt chanh, hành lá cắt nhỏ và ớt sừng vào trộn đều để làm nước sốt cho tôm. Ướp hỗn hợp này trong khoảng 15p.
Xem Thêm : Top 10+ quán ship đồ ăn đêm Sài Gòn ngon và rẻ nhất
Cho tôm cùng với nước sốt trên vào chảo, xào trên lửa lớn khoảng 2-3 phút để tôm chín, tắt bếp và để chúng vào bát.
Xoài thái nhỏ hoặc nạo thành sợi rồi trộn với cùi vải. Thêm lạc/đậu phộng để tăng vị giòn, ngậy cho món salad. Đem tôm vào trộn cùng, nêm nếm gia vị và thưởng thức.
Thạch vải
Nguyên liệu
- Khoảng 20 quả vải (có thể thêm bớt tùy sở thích).
- 10g bột gelatin.
- 10g trà túi lọc.
- 30g đường trắng (có thể thêm bớt tùy sở thích).
- ½ thìa cà phê muối.
- 500ml nước lọc.
Cách làm
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Bạn tiến hành bóc vỏ vải và tách hạt vải ra, giữ lại phần thịt vải rồi đem ngâm với nước muối pha loãng trong khoảng 5 phút, sau đó vớt phần thịt vải ra rửa sạch lại với nước. Bạn ngâm gelatin trong khoảng 500ml nước lạnh để kích hoạt độ tạo đông của gelatin.
Bước 2: Nấu thạch vải
- Bạn cho trà túi lọc, đường và đổ nước gelatin đã ngâm vào nồi rồi bắc lên bếp, đun với lửa nhỏ, dùng thìa khuấy đều cho đến khi nước sôi và có màu sẫm lại thì tắt bếp. Bạn đổ tất cả hỗn hợp vào một cái khay đã chuẩn bị trước, sau đó chèn thêm vài quả vải đã lọc bỏ hạt vào.
- Bạn đợi khoảng 20 phút cho thạch vải nguội, sau đó bạn cho thạch vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2 tiếng là có thể ăn được rồi nhé.
Vải sấy
Nguyên liệu
- 2kg vải thiều
- Muối ăn
Cách làm
Bước 1 Cắt cuống vải
Vải sau khi mua về các bạn dùng kéo cắt khoảng 0.5 cm – 1 cm cuống.
Bước 2: Ngâm nước muối
Các bạn cho vải vào ngâm trong nước muối khoảng 30 phút sau đó rửa sạch, để ráo nước.
Bước 3: Sấy vải
Xếp đều vải lên khay sấy, tránh xếp chồng lên nhau, như vậy sẽ khó sấy đều. Tiến hành sấy vải trong lò nướng với 100 độ C trong 3 – 4 tiếng. Trở mặt vải và lặp lại thao tác 2 – 3 lần đến khi vỏ vải khô giòn.
Nếu không có lò thì các bạn có thể đem phơi nắng trong vòng 3 – 4 ngày.
Panna cotta vải
Nguyên liệu
- Bột gelatin 5 gr
- Sữa tươi không đường 3 muỗng canh
- Sữa chua hương vải 250 ml
- Thạch dừa 50 gr
- Vải tươi 250 gr
- Bột rau câu jelly hương vải 30 gr
Cách làm
Bước 1: Sơ chế trái vải
Vải sau khi mua về bạn lột vỏ tách hạt, cắt làm đôi khoảng 3 trái. Số vải còn lại mang cắt nhỏ vừa ăn.
Bước 2: Ngâm bột gelatin
Cho 5gr bột gelatin vào 3 muỗng canh sữa đặc và khuấy đều. Để yên 10 phút cho gelatin nở.
Bước 3: Trộn sữa chua và thạch
Lấy 250ml sữa chua hương vải trộn với 50gr thạch dừa.
Bước 4: Làm hỗn hợp panna cotta
Bắc nồi lên bếp, cho vải tươi đã cắt nhỏ vào đun với lửa nhỏ.
Khi vải hơi ấm thì cho hỗn hợp gelatin và sữa đã nở vào khuấy đều cho gelatin tan thì tắt bếp và nhấc xuống.
Sau đó, cho tiếp hỗn hợp sữa chua và thạch dừa vào khuấy đều cho các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
Bước 5: Đổ khuân và làm lạnh
Cho phần thạch dừa và vải tươi khuôn panna cotta rồi đổ phần sữa vào khoảng 2/3 khuôn rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 – 5 tiếng.
Bước 6: Làm thạch vải
Cho 30gr bột rau câu jelly, 1 ít hương vải và 1 ít màu thực phẩm hồng/đỏ vào ly chứa 100ml nước nóng và khuấy đều cho bột rau câu tan.
Cho tiếp vào ly 3 muỗng canh nước lạnh rồi khuấy đều.
Khi hỗn hợp panna cotta đã đông thì cho phần thạch vải lên trên rồi cho vào tủ lạnh qua đêm.
Vải là loại trái cây đặc sản vùng nhiệt đới mang hương vị ngọt thơm, mọng nước khiến bao người mê mẩn. Từ những công thức chế biến không quá cầu kì ở trên, hy vọng chị em mình sẽ làm thành công những món ăn ngon cho gia đình nhỏ của mình nhé.
Nguồn: https://emvaobep.com
Danh mục: Ẩm thực