Bánh Trung thu – món bánh không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu cổ truyền. Còn gì tuyệt vời hơn khi tự tay làm những chiếc bánh truyền thống, thơm ngon ấy dành tặng người thân, gia đình? Cùng chúng mình học ngay công thức cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu về Bánh Trung thu
Bánh Trung thu truyền thống là dạng bánh nướng, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bánh dạng hình tròn hoặc vuông, chiều cao khoảng từ 4 đến 5cm. Theo thời gian, bánh được biến tấu dưới nhiều hình thức, hương vị khác nhau. Ngoài bánh nướng, bánh Trung thu dẻo, vị ngọt cũng được khá nhiều người yêu thích.
Bạn Đang Xem: Cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm thơm ngon cực đơn giản
Ảnh: Sưu tầm
Để nâng cao tính thẩm mỹ và thu hút khách hàng, bánh Trung thu được tạo thành nhiều hình dáng khác nhau như: hình cá chép, hình hoa sen, hình lợn con,…Nhân bánh cũng mang nhiều hương vị đặc biệt: nhân đậu xanh hạt sen, nhân dừa, nhân trứng muối,…
Ở Việt Nam, mỗi dịp Rằm tháng 8, Bánh Trung thu sẽ được bày trí trên mâm cỗ cúng dâng lên ông bà tổ tiên. Ngoài ra, đây cũng là món quà biếu tặng gia đình, người thân, trẻ nhỏ,…thay cho những lời chúc thân thương, sum họp, đủ đầy. Hiện nay, giá một chiếc bánh Trung thu 230g khoảng 80.000 VNĐ đến 150.000 VNĐ, tùy vào chất lượng và nguyên liệu nhân bánh.
2. Cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm
Công thức dưới đây đủ cho 9 chiếc bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm với trọng lượng 150g/ bánh, tỉ lệ vỏ bánh và nhân bánh là 1 : 2 ( 50g vỏ bánh và 100g nhân bánh).
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu làm vỏ bánh:
- Bột mì đa dụng: 240g
- Nước đường bánh nướng: 160ml
- Bơ đậu phộng: 10g
- Dầu thực vật: 30ml
- Lòng đỏ trứng gà: 1 quả
- Baking Soda: 3g
Nguyên liệu làm nhân bánh:
- Mứt bí: 50g
- Vừng/ mè trắng: 40g
- Hạt dưa: 40g
- Hạt bí: 50g
- Mứt sen: 50g
- Hạt điều: 50g
- Mỡ đường: 40g
- Lạp xưởng: 50g
- Lá chanh: 6 – 8 lá
- Bột nếp: 30g
- Rượu Mai quế lộ: 10ml
- Ngũ vị hương: ½ thìa cà phê
Nguyên liệu làm lớp quét mặt bánh:
- Trứng gà: 1 quả
- Sữa tươi không đường: 10ml
- Dầu mè: 3ml
- Mật ong: 3ml
Cách chế biến:
Xem Thêm : Cream cheese là gì? Công dụng và cách bảo quan Cream cheese
Bước 1: Làm vỏ bánh
- Rây bột mì đa dụng vào tô lớn để bột mịn, không bị vón cục.
- Cho lần lượt các nguyên liệu làm vỏ bánh: nước đường bánh nướng, bơ đậu phộng, dầu thực vật, lòng đỏ trứng gà và baking soda vào và nhào đều tay theo một chiều đồng hồ.
- Nhồi nhẹ nhàng tới khi bột tạo thành một khối dẻo, mịn.
- Đậy màng bọc thực phẩm, để bột nghỉ từ 50 phút đến 1 tiếng.
Lưu ý:
- Nếu bột quá khô, vụn thì thêm nước đường bánh nướng hoặc dầu thực vật và nhào đều tay.
- Nếu bột quá nhão thì cho thêm bột mì đa dụng vào hỗn hợp và nhào đều tay.
Bước 2: Làm nhân bánh
- Thái hạt lựu mứt bí, mứt sen, lạp xưởng và mỡ đường.
- Hạt điều cắt nhỏ.
- Lá chanh thái sợi.
- Cho hỗn hợp các nguyên liệu làm nhân bánh đã chuẩn bị: mứt bí, vừng/ mè, mứt sen, hạt dưa, hạt bí, hạt điều, mỡ đường, lạp xưởng, lá chanh vào tô lớn và trộn đều.
- Để nhân bánh được kết dính ta cần chuẩn bị một hỗn hợp nước sốt nhân dẻo từ bột nếp, rượu Mai Quế Lộ và ngũ vị hương. Khuấy đều sốt và đổ từ từ vào hỗn hợp hạt nhân bánh.
- Hỗn hợp nhân khi đạt chuẩn sẽ có độ kết dính, dẻo.
- Chia nhân bánh thành những phần bằng nhau, vo tròn và bảo quản kín để tránh nhân bị khô khi chưa sử dụng.
Lưu ý: Bạn có thể mua mỡ đường ở bên ngoài. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của nhân bánh, ta có thể tự làm mỡ đường tại nhà chỉ với vài bước đơn giản:
- Mỡ lợn rửa sạch, cắt hạt lựu và đem luộc chín tới (không luộc quá lâu vì mỡ sẽ bị mất độ giòn).
- Vớt mỡ, để ráo nước vào trộn với đường theo tỉ lệ 2 đường : 1 mỡ.
- Mỡ sau khi ngấm đường chuyển màu trong suốt là có thể dùng được. Bảo quản mỡ đường trong hộp kín với nhiệt độ tủ lạnh để dùng được lâu hơn.
Ảnh: Sưu tầm
Bước 3: Tạo hình bánh
- Sau khoảng thời gian để bột nghỉ, chia bột thành 9 phần bằng nhau (tương ứng với 9 chiếc bánh).
- Cán tròn từng cục bột. Cán đều tay để vỏ bánh tròn, không nên cán bột quá rộng, chỉ ướm chừng vừa đủ bao quanh nhân bánh là dừng lại.
- Cho phần nhân vào giữa vỏ bánh, nhẹ nhàng nắn nhẹ để vỏ bánh phủ kín hết nhân.
Để tạo hình những chiếc bánh Trung thu xinh xắn, ấn tượng thì không thể thiếu khuôn nhựa bánh Trung thu. Cách tạo hình bánh từ khuôn này khá đơn giản:
- Phết mỏng một lớp dầu ăn lên khuôn để tránh bị dính bánh khi tạo hình.
- Đặt bánh vào khuôn, một tay giữ khuôn, tay kia nhấn nhẹ lò xo để bánh có hình dáng sắc nét nhất.
- Nhẹ nhàng nhấc khuôn ra và lấy bánh. Lưu ý cần nhẹ tay để bánh không bị móp, méo.
Ảnh: Sưu tầm
Hiện nay trên thị trường, 1 bộ khuôn nhựa có mức giá giao động từ 40.000 VNĐ đến 60.000 VNĐ, gồm 1 ép lò xo và 4 kiểu mặt bánh khác nhau. Bạn có thể tìm mua tại các cửa hàng bán dụng cụ làm bánh, sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,…
Xem Thêm : Công thức nước ép dâu đen Blackberry
Bước 4: Nướng bánh
Để bánh Trung thu nướng vàng đẹp, lên màu chuẩn không thể thiếu hỗn hợp quét mặt bánh. Cách làm hỗn hợp này rất đơn giản như sau:
- Đập một quả trứng vào bát.
- Cho 10ml sữa tươi không đường, dầu mè và mật ong vào khuấy đều.
- Lọc hỗn hợp qua rây và sử dụng.
Ảnh: Sưu tầm
Trước khi nướng bánh cần làm nóng lò 10 – 15 phút. Khi lò đủ nóng, bắt đầu xếp bánh vào và tiến hành nướng bánh.
- Nướng lần 1: Nhiệt độ 180 – 190 độ C trong vòng 8 đến 10 phút. Sau khi bánh chuyển màu trắng đục thì lấy bánh ra, xịt một lớp nước nhẹ lên mặt bánh và để nguội.
- Nướng lần 2: Quét một lớp mỏng hỗn hợp quét mặt bánh đã chuẩn bị sẵn. Cho bánh vào lò với nhiệt độ 190 – 200 độ C với thời gian 5 đến 7 phút. Bánh sau khi nướng lần 2 sẽ có màu hơi ngả vàng hơn. Lấy bánh ra và tiến hành các bước xịt nước, để nguội và phết trứng như lần nướng đầu tiên.
- Nướng lần 3: Ở lần này, nhiệt độ và thời gian nướng bánh tương tự như lần 2. Lúc này bánh sẽ ngả sang màu vàng đậm, trông ngon và hấp dẫn hơn. Có thể dùng khi bánh còn nóng hoặc để nguội sẽ ngon hơn.
Lưu ý: Hỗn hợp quét lên mặt bánh không cần quá dày, chỉ một lớp mỏng nhẹ để tránh bánh trong quá trình nướng bị nứt.
3. Thành phẩm bánh Trung thu nướng đạt chuẩn
Bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm đạt chuẩn sẽ có màu nâu vàng, vỏ bánh mềm, không bị khô. Những chiếc bánh với lớp vỏ ngoài đẹp mắt chắc chắn khiến cho bất kỳ ai cũng không khỏi trầm trồ.
Nhân thập cẩm đầy đủ các nguyên liệu nên dậy mùi thơm, béo. Chỉ cần cắn một miếng thôi bạn có thể cảm nhận được hương vị truyền thống ngọt ngào đến tận tâm can. Đặc biệt, khi thưởng thức, hãy “ăn một miếng bánh, uống một ngụm trà” để cảm nhận sâu hơn vị của món bánh truyền thống này nhé!
4. Một vài lưu ý khi làm và cách bảo quản bánh Trung thu
- Bánh Trung thu nướng sau khi nướng từ 1 đến 3 ngày sẽ xuống dầu, vỏ mềm và có màu nâu sẫm hơn.
- Bánh cần được bảo quản ở nơi khô, thoáng mát. (Ưu tiên bọc kín và đưa vào môi trường tủ mát/ tủ lạnh).
- Bánh tự làm nên sử dụng càng sớm càng tốt. Bánh ăn ngon hơn trong 3 ngày đầu tiên sau khi làm. Từ ngày thứ 5 đổ đi chất lượng bánh sẽ bị ảnh hưởng.
Ảnh: Sưu tầm
Trên đây là công thức cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm an toàn, chất lượng, ngay tại nhà mà chúng mình dành tặng bạn. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn có được những chiếc bánh Trung thu handmade dành tặng cho người thân, gia đình trong dịp Tết Trung thu sắp tới. Chúc bạn thành công!
Nguồn: https://emvaobep.com
Danh mục: Ẩm thực