Đặc sản

Top 10 Món ăn đặc sản ngon nhất ở Lạng Sơn

Top 10 Món ăn đặc sản ngon nhất ở Lạng Sơn

Nếu có dịp đến với Lạng Sơn, một tỉnh miền núi với những ngọn núi hùng vĩ, cảnh đẹp nên thơ du khách cũng đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản hay những đồ ăn vặt tiêu biểu cho nền ẩm thực phong phú nơi đây.

Vịt quay

Là giống vịt Bầu Thất Khê. Sau khi được làm sạch sẽ tẩm thêm hương liệu: hành, hạt tiêu, móc mật, nhồi vào bên trong vịt rồi khâu lại. Phần ngoài tẩm mật ong và để khoảng 10 phút. Tiếp theo quay vịt trên than hoa 15 phút. Sau khi quay xong nhúng vào chảo mỡ đảo đi đảo lại rồi cho ra giá đỡ để nguội. Khi quay vịt đòi hỏi kỹ thuật không cháy đen, phải đảm bảo độ nóng, quay càng lâu thịt càng thơm. Thịt vịt phải thấm màu mật ong, miếng thịt ăn vào thấy đậm đà và mềm ngọt. Món này đòi hỏi người chế biến phải khéo léo để thịt vịt không bị tanh lại thơm mùi lá móc mật. Khi ăn chấm với phần nước đọng trong vịt sau khi quay, thêm xì dầu, ớt. Ngoài vịt quay, món phở vịt ở đây cũng rất nổi tiếng. Thịt vịt mềm ngọt, nước dùng béo ngậy và vị chua của măng tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho ẩm thực xứ Lạng.

1 vit quay 43108 Em Vào Bếp
Vịt quay Lạng Sơn giá 180.000 đồng/ con
vit quay quang dong thanh chan 242284 Em Vào Bếp
Vịt quay Lạng Sơn

Khâu nhục

Khâu nhục hay còn gọi nằm khâu, là món truyền thống của dân vùng cao xứ Lạng. Được chế biến khá cầu kỳ từ thịt ba chỉ sau khi được ướp kỹ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu,…và hấp cách thủy trong thời gian dài. Thưởng thức khâu nhục với chén rượu cay sẽ thấy ấm lòng hơn giữa thời tiết xứ lạnh. Món ăn nghe lạ tai này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Khi du nhập vào Việt Nam, khâu nhục được người Tày, Nùng ở Lạng Sơn biến đổi cho phù hợp và nhanh chóng trở thành đặc sản nơi đây. Đây là món ăn không thể thiếu khi đãi khách hay trong các dịp quan trọng như đám cưới, đám hỏi, lễ tiệc.

Các công đoạn làm khâu nhục rất cầu kì và mất nhiều thời gian. Thịt ba chỉ thớ dày ướp cùng các loại gia vị, tần ô. Khi hấp thêm khoai lang, lá tàu soi. Khâu nhục ăn kèm xôi, cơm hay bánh mì đều rất ngon. Khoai môn thái miếng, chiên vàng rồi bày lên đĩa. Phía dưới lớp khoai là lớp rau muối mặn được làm từ lá tàu soi băm nhỏ, trộn đều với tương tàu, xì dầu, húng lìu, tỏi. Sau đó thái thịt thành từng miếng khoảng 1,5 cm, úp bát to vào, lật lại để nguyên đĩa rồi xếp từng bát vào nồi chưng cách thuỷ trong khoảng thời gian từ 4-5 tiếng cho thịt chín và mềm nhừ. Khi ăn thì lật úp bát thịt ra đĩa, để phần da của thịt được bày lên trên, nếu có màu vàng đều cùng hương thơm đặc trưng là đã đạt yêu cầu. Khâu nhục có thể ăn với cơm hoặc xôi, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với bánh gật gù. Món ăn này có bán rất nhiều ở chợ Đông Kinh hay các quán ăn, nhà hàng cho du khách mua về làm quà.

6 khau nhuc 43119 Em Vào Bếp
Khâu nhục 30.000 đồng/ bát
khau nhuc 812604 Em Vào Bếp
Khâu nhục

Phở chua

Đặc sản xứ Lạng này được chế biến rất cầu kỳ và có hương vị vô cùng hấp dẫn. Phở chua phải ăn nhấn nhá mới thưởng thức trọn vẹn hương vị đặc biệt của món ăn này. Hiện nay, món phở chua được bán ở nhiều tỉnh vùng núi phía bắc nhưng chỉ có sản phẩm của Lạng Sơn là nổi tiếng hơn cả. So với phở bò trứ danh Hà thành, phở chua Lạng Sơn cũng không kém phần cầu kỳ. Một bát phở chua truyền thống của xứ Lạng cần đến hơn chục loại nguyên liệu đặc biệt như khoai lang, gan lợn, dạ dày, thịt ba chỉ, xá xíu, bột chao, lạp xưởng… chưa kể các loại rau thơm, dưa chuột, lạc rang… Với nguyên liệu đa dạng như vậy, phở chua hội tụ đầy đủ vị cay, ngọt man mát lại chua dịu thanh thanh.

pho chua 812646 Em Vào Bếp
Phở chua Lạng Sơn 40.000 đồng/ suất
pho chua 258584 Em Vào Bếp
Phở chua Lạng Sơn

Bánh ngải

Với bánh ngải, người vùng núi phía Bắc thường đun lá ngải non với nước tro sạch cho nhừ, rồi rửa sạch, bỏ xơ, cho vào cối giã nhuyễn. Xôi đồ chín cũng được giã đều trong cối cùng với lá ngải đã giã mịn từ trước. Cứ giã thế từ lúc xôi nóng hừng hực tới lúc thành thứ bột mềm, mịn và dẻo thì chuyển sang bắt bánh. Cũng có một cách xử lý lá khác là luộc nước vôi trong để giữ màu xanh, sau đó đảo qua cho ráo nước, cuối cùng lá đó cũng bỏ vào giã nhuyễn cùng xôi cho đến lúc thành bột mịn. Cũng có nơi, người dân xay nhuyễn lá rồi trộn với gạo, đồ thành xôi xanh, rồi mới giã mịn. Khi bột đã nhuyễn dẻo, bánh được tra nhân vừng với đường giã nhỏ mịn. Tỷ lệ nhân bánh không nhiều nếu so với bánh dày đỗ ngọt dưới xuôi. Bù lại, mùi vừng rất dậy quyện với mùi lá ngải nay đã chỉ còn thơm mà không còn chút đắng nào. Lạng Sơn được coi là “thủ phủ” của bánh ngải. Đến với mảnh đất này, ngoài mua thịt vịt quay, bát khâu nhục, khách du lịch còn thường mua bánh ngải mang về làm quà.

banh ngai 258594 Em Vào Bếp
Bánh ngải Lạng Sơn
banh ngai 258595 Em Vào Bếp
Bánh ngải Lạng Sơn

Bánh cuốn trứng

Cũng được tráng như bột gạo nước nhưng thay vì phần nhân thịt mộc nhĩ thì ở đây người ta lại đập một quả trứng vào giữa nồi hấp rồi đậy nắp vung cho trứng chín hơi, sau đó mới dùng que tre gấp bánh lại và cho ra đĩa. Bên trên dĩa bánh cuốn được rắc chút thịt băm chà nhuyễn có màu vàng nâu hấp dẫn.

Nước dùng của bánh cuốn ở đây không phải là nước mắm pha như bình thường mà gồm một chút thịt xay rang khô và bông lên, rắc chút rau mùi thái nhỏ rồi mới rót lên thứ nước mắm chấm mỡ hành pha vừa vị. Đặc biệt theo đúng tinh thần xứ Lạng, mỗi bàn ăn đều có thêm một lọ măng ngâm ớt để bạn tùy ý gia giảm vào bát nước chấm của mình.

banh cuon trung 416729 Em Vào Bếp
Bánh cuốn trứng Lạng Sơn
banh cuon trung 812607 Em Vào Bếp
Bánh cuốn Lạng Sơn

Ốc đá

Ốc đá hay còn gọi là ốc núi đá. Ốc đá chỉ có vào mùa mưa, trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 8. Ốc đá sống trên những dãy núi đá vôi cao và chỉ sống trên lèn đá nên rất sạch. Ốc đá ăn lá cây, rong rêu và thậm chí là các loại thảo dược, do đó ốc chứa nhiều dinh dưỡng. Để nói về ốc đá ngon ở Lạng Sơn phải kể đến Hữu Liên, bởi cứ đến mùa mưa là người dân ở đây lại leo lên núi để bắt những con ốc đá về ăn. Ốc Hữu Liên to và đẹp, thịt có vị béo thơm mà không ngán, giòn dai ăn kèm với nước chấm gừng ớt rất ngon. Nguyên liệu này có thể chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn như luộc, hấp gừng, hấp xả, xào lá lốt, trộn gỏi… nhưng món ốc đá hấp sả vẫn được nhiều người ưu thích nhất.

Nhiều thực khách nếm thử đều tấm tắc khen ngon, bởi hương vị đặc trưng và độ giòn, ngon, lạ của loại ốc này. Ngoài là một món ăn dặc sản thì ốc núi đá còn được coi là một vị thuốc chữa bệnh gút rất hiệu nghiệm. Vậy nên nếu ghé Lạng Sơn vào tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, bạn nhất định nên mua ốc đá về làm quà biếu hoặc chế biến thưởng thức cùng gia đình, bạn bè.

oc da 804301 Em Vào Bếp
Đặc sản ốc đá Lạng Sơn
oc da 804302 Em Vào Bếp
Đặc sản ốc đá Lạng Sơn

Bánh chưng đen

Nếu đến với Lạng Sơn, ngoài các đặc sản khâu nhục, vịt quay, bánh ngải thì bạn nhất định phải thử bánh chưng đen tại đây. Là đặc sản xứ Lạng, bánh chưng đen được người dân ăn nhiều nhất vào dịp Tết. Bánh làm từ gạo nếp và tro của rơm nếp hoặc từ vỏ cây núc nác phơi khô, tạo nên một hương vị thơm ngon đặc trưng. Nét khác biệt của bánh chưng đen là có thêm thảo quả trong nhân, tạo nên hương thơm của núi rừng. Ngoài bánh chưng đen luộc như thường thấy, du khách có thể thưởng thức món bánh chưng đen nướng trên bếp than cho đến khi xuất hiện mùi thơm của gạo nếp, thảo quả và thịt mỡ trong nhân bánh.

Bánh chưng đen là đặc sản độc đáo của xứ Lạng. Nếu ở vùng khác người dân ăn bánh trưng xanh thì ở Lạng Sơn bánh chưng đen được người dân ăn nhiều nhất vào dịp Tết đến xuân về. Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm mùi hành mỡ, thảo quả, hạt tiêu, mùi lá dong, thảo quả, vị lạ của cây rừng… Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như là người vùng cao. Hiện nay, bánh đã trở thành đặc sản phổ biến mà bất cứ ai tới Bắc Sơn đều có thể mua về làm quà tặng không cần phải đợi dịp Tết. Bánh chưng đen có thể để được rất lâu, khoảng một tháng mà vẫn thơm ngon. Chính nước cốt màu đen giúp bánh giữ được hương vị ngon, lâu hỏng.

banh chung den 804281 Em Vào Bếp
Bánh chưng đen
banh chung den 804282 Em Vào Bếp
Bánh trưng đen

Bánh bí đỏ

Bánh bí đỏ Lạng Sơn lâu nay đã vô cùng nổi tiếng bởi vẻ bề ngoài bắt mắt, hương vị hấp dẫn khác hoàn toàn với bất cứ bánh bí đỏ của địa phương nào khác. Chỉ bằng những nguyên liệu quen thuộc, nhưng dưới đôi bàn tay khéo léo của các cô gái vùng cao thì nhanh chóng trở thành chiếc bánh mang đậm hương vị quê hương xứ Lạng. Cảm giác được cắn thử những miếng bánh vàng ươm, nóng hổi trong miệng chắc chắn sẽ không làm cho bất cứ ai phải thất vọng! Vậy tại sao bạn lại không thử món này khi đến Lạng Sơn nhỉ?

Bánh bí đỏ có nguyên liệu chính là bí đỏ và bột nếp. Ngoài ra, tùy theo khẩu vị mỗi vùng, bánh bí đỏ có thêm nhân đậu xanh để hương vị thơm ngon, ngậy hơn. Cách làm bánh bí đỏ khá đơn giản. Bí đỏ tách vỏ, hấp chín, làm nhuyễn và nhào với bột nếp, càng nhào lâu thì bánh càng mềm, dẻo và càng ngon. Sau đó nặn lấy một nắm bột vừa tay, gói bằng lá chuối hoặc lá dong rồi đem bánh đi hấp. Bánh bí đỏ Lạng Sơn không chỉ hấp dẫn với vẻ ngoài vàng rộm bắt mắt mà còn rất thơm ngon với vị ngọt mát của bí đỏ, cắn ngập răng và cảm thấy vị bùi béo của đậu xanh.

banh bi do 804242 Em Vào Bếp
Bí đỏ hấp trước khi làm bánh bí đỏ
banh bi do 804241 Em Vào Bếp
Bánh bí đỏ – đặc sản Lạng Sơn

Xôi cẩm

Được làm từ lá cẩm và gạo nếp thơm, xôi cẩm là món ăn đặc trưng của xứ Lạng. Lá cẩm là loại thực vật gần gũi, được người dân vùng cao trồng để lấy lá nấu xôi ngũ sắc, tắm cho trẻ nhỏ, hay điều trị bệnh. Xôi lá cẩm thường được các bà nội trợ nấu cho gia đình vì hương vị ngon và nhìn bắt mắt của nó. Tùy theo từng địa phương, xôi sẽ được thêm nguyên liệu thứ ba như lá dứa thơm, tro bếp hay là chuối khô. Là cẩm giã nát, trộn với tro bếp, sau đó lọc với nước sạch và bỏ bã. Gạo nếp đem ngâm 6 tiếng với phần nước đã lọc ra. Lúc này hạt gạo nếp trắng đã chuyển màu tím đặc trưng của lá cẩm. Cho gạo vào chõ và đem đồ. Trong quá trình đồ xôi, 15 phút đảo một lần để xôi chín đều, sau một tiếng sẽ được món xôi cẩm thơm dẻo của gạo nếp và màu tím của lá cẩm ăn kèm với chả hoặc muối vừng rất ngon. Món xôi ăn nóng, chắc bụng. Đặc biệt ăn rất phù hợp vào những ngày lạnh của xứ Lạng.

Đây là món ăn được xem là món truyền thống, mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn nên thường xuất hiện trong các ngày lễ quan trọng như cưới hỏi, lễ tết… Không chỉ phục vụ bữa ăn thường ngày, xôi cẩm còn dùng để thiết đãi khách phương xa.

xoi cam 804237 Em Vào Bếp
Xôi cẩm Lạng Sơn
xoi cam 804238 Em Vào Bếp
Đặc sản xôi cẩm Lạng Sơn

Bánh mì nướng

Bánh mì nướng ở đây có nhiều loại gồm bánh có nhân và bánh không nhân. Bánh được nướng qua 2 công đoạn, đầu tiên là nướng với dầu ăn, sau đó là thêm một lớp hỗn hợp dầu hào, mật ong để bánh có màu vàng đậm và thơm ngon. Ngoài ra nước chấm bánh mì nướng cũng được chế biến rất đặc sắc với vị cay của ớt, vị ngọt của đường, vị chua của quất, mùi tàu thơm… Chấm miếng bánh mì thơm giòn với bát nước chấm đầy hương vị như thế, người ta có thể dễ dàng ăn 2 – 3 cái hoặc nhiều hơn nếu còn bụng. Bánh mì nướng ở Lạng Sơn giá chỉ từ 3k đến 10k/cái, tùy loại có nhân hay không nhân.

banh mi nuong 416739 Em Vào Bếp
Bánh mỳ nướng Lạng Sơn
banh mi nuong 812612 Em Vào Bếp
Bánh mỳ nướng Lạng Sơn

Ẩm thực Lạng Sơn phong phú đa dạng với những hương vị rất riêng khi du khách thưởng thức những món ăn tại đây. Chúc các bạn có những trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời với một số món đặc sản Lạng Sơn mà Emvaobep.com giới thiệu trên đây!

Related Articles

Back to top button